NĂM 2019 - PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI THEO CHUỖI LIÊN KẾT

07/02/2019 - Năm 2018 ngành chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra với sản lượng thịt, trứng, sữa... đều tăng so với cùng kỳ.

Đặc biệt, chăn nuôi lợn có sự phục hồi khá nhanh, đạt sản lượng thịt trên 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.

Hộ chăn nuôi bò thịt Đặng Đình Hân ở xã Nam Điền, huyện Chương Mỹ dự kiến cung cấp khoảng hơn 8 tấn thịt bò đảm bảo chất lượng cho thị trường Tết Nguyên đán

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 là tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đồng thời, tập trung ổn định thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

* Tạo đà cho chăn nuôi phát triển

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2018 ngành chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi, đạt mục tiêu và kế hoạch đề ra, tạo đà cho chăn nuôi phát triển.

Đặc biệt, những điều kiện thuận lợi như: Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua; đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh; áp dụng tối đa công nghệ thông tin và xã hội hóa cao nhất các dịch vụ công trong quản lý ngành…

Tại hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi 2018 do Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 25-12-2018, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đến nay đàn lợn tiếp tục tăng trưởng tốt về quy mô và chất lượng, vượt so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể sản lượng thịt đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Tại một số địa phương như Đồng Nai, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam... sau khi thực hiện việc tái đàn kể từ đợt khủng hoảng năm 2017, quy mô chăn nuôi lợn đã chuyển dịch sang hướng tập trung công nghiệp, trang trại lớn và hộ chuyên nghiệp. Đặc biệt như Đồng Nai có khoảng 94% tổng đàn được nuôi tại trang trại.

Về thị trường, giá thịt heo bắt đầu phục hồi từ tháng 4-2018 sau đúng 1 năm xuống thấp. Với các giải pháp đồng bộ, hiện nay giá heo hơi xuất chuồng bình quân tại các tỉnh miền Bắc duy trì ở mức 44.000-46.000 đồng/kg, miền Trung 47.000-48.000 đồng/kg, miền Nam 48.000-50.000 đồng/kg.

Cùng với chăn nuôi lợn, lĩnh vực chăn nuôi gia cầm cũng phát triển ổn định, sản lượng đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 6,1%; sản lượng trứng đạt khoảng 11,8 tỷ quả, tăng 11% so với cùng kỳ.

Đóng gói sản phẩm trứng gà để cung cấp ra thị trường tại nhà máy xử lý trứng gà sạch của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi (Tập đoàn Dabaco Việt Nam).

 

Ngoài ra, sản lượng sữa cũng tăng 9% đạt 960 nghìn tần; mật ong tăng 10,3%, đạt 21,5 nghìn tấn; sản lượng kén tằm tăng 5,7 %, đạt 9,2 nghìn tấn.

Về xuất khẩu, theo số liệu Cục Chăn nuôi, ước tính năm 2018, cả nước xuất khẩu khoảng 500 - 550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi gồm thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa; khoảng 400-450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi hiện đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu lợn mạnh sang Myanmar, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và các cơ sở xuất khẩu lợn sữa, lợn choai sang Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Malaysia…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, hỗ trợ hoàn thiện dự án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia cầm và chuỗi thịt gà 4A phục vụ xuất khẩu tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa…

* Đẩy mạnh giết mổ, chế biến và xuất khẩu thịt

Theo thống kê của Cục chăn nuôi, năm 2017 nước ta sản xuất được trên 5.204 triệu tấn thịt, đứng thứ 6 thế giới về sản lượng và thứ 7 về số lợn giết mổ. Dự kiến, năm 2018, Việt Nam tiếp tục chiếm vị trí thứ 6 toàn cầu về sản lượng thịt lợn.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đứng thứ 7 thế giới về tiêu thụ thịt lợn (sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Brazin, Nhật Bản) đồng thời đang nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu thịt lợn nhiều nhất thế giới với trên chục ngàn tấn/năm sang các thị trường: Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia Singapore…

Theo Cục Chăn nuôi, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của thế giới vẫn cao, chủ yếu từ các nước châu Á (uớc tính, năm 2018 các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kong (Trung Quốc), Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Liên bang Nga… nhập khẩu trên 4 triệu tấn thịt lợn đông lạnh, chiếm 50% số lượng thịt lợn thương mại toàn cầu năm 2018). Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên, thị trường nhập khẩu thịt lợn yêu cầu phải qua giết mổ, chế biến sâu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Ở các nước châu Âu, thịt lợn giết mổ được cấp động sử dụng trong cả năm nhưng ở Việt Nam chủ yếu vẫn còn thói quen ăn thịt tươi, nóng.

Ông Đỗ Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc đàn gà 12.000 con giống gà chip và gà mía. 

 

Chính vì vậy, để xuất khẩu được thịt sang nước ngoài, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao công nghệ chế biến, đặc biệt là chế biến sâu thành các sản phẩm như xúc xích, thịt nguội… để đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.

Giết mổ và chế biến vốn được coi là khâu yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Để cải thiện tình hình, trong thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương thúc đẩy phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường. Năm 2018, đã khởi công và hoàn thành nhiều hạng mục lớn.

Điển hình như nhà máy Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140.000 tấn thịt heo/năm với công nghệ hiện địa cho thương hiệu Meat Deli, khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23-12.

Trước đó, nhà máy giết mổ, chế biến thịt heo tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) do Công ty Biển Đông và Deheus liên kết đã đi vào hoạt động từ tháng 11-2018 với công xuất 350.000 heo thịt/năm…

Nhiều chuyên gia nhận định, giết mổ và chế biến đang là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.Nếu tháo gỡ được nút thắt này, giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam có thể tăng vài chục, thậm chí cả 100%.

* Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 là tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đồng thời, tập trung ổn định thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Theo đó, trong năm 2019, ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển đàn lợn, các doanh nghiệp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, theo dõi sát về giá cả và nguồn cung thị trường của các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt lợn và thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để các cơ quan quản lý, người chăn nuôi, người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ, kịp thời; Tăng cường quản lý giá thức ăn, giảm giá thịt lợn.

Theo đó, duy trì giá lợn hơi ở mức 40.000-45.000 đồng/kg, giá thành xuống dưới 35.000 đồng/kg.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong vụ Thu Đông 2018-2019 nhất là triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào nước ta.

Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi…/.

Minh Duyên (tổng hợp)