XUẤT KHẨU TÔM ĐANG DẦN LÁCH QUA “CỬA HẸP”
06/04/2019 - Các thị trường khó tính nhất thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe bước đầu gây khó khăn, áp lực với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, chính trong khó khăn, các doanh nghiệp đã tìm mọi cách để hoàn thiện mình, dần xâm nhập sâu vào được những thị trường hàng đầu thế giới.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, với những sức ép hiện tại lên con tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam phải chịu nhiều áp lực lớn về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; giá tôm giảm do sản lượng tăng và thuế chống bán phá giá. Các doanh nghiệp cũng xác định chỉ có đầu tư mạnh vào các mặt hàng giá trị gia tăng mới có thể cạnh tranh được ở những thị trường "khó tính" nhưng đầy tiềm năng trên thế giới.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tháng 2/2019, tin vui từ thị trường duy nhất trong số 7 thị trường nhập khẩu tôm chính là tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 14,7%.
Năm 2019, xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD
Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã có những dấu hiệu khả quan đầu năm nay khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1/2019. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản khi thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản được đưa về 0%.
Cùng với nhu cầu tiêu thụ, thị trường Mỹ còn có những tiêu chuẩn buộc các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ như: chứng nhận SIMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), truy xuất nguồn gốc, thuế chống bán phá giá… Điều này gây trở ngại cho con tôm của các quốc gia muốn vào thị trường Mỹ; trong đó có Việt Nam.
Song song với thị trường Mỹ, thị trường khó tính châu Âu cũng có những tiêu chuẩn chặt chẽ. Đó là khu vực Tây Âu và Bắc Âu luôn đòi hỏi con tôm từ vùng nuôi có chứng nhận ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản), 2 khu vực còn lại là Đông Âu và Nam Âu “dễ thở” hơn khi không đòi hỏi chứng nhận này trên con tôm, nhưng người tiêu dùng toàn châu Âu vẫn chú trọng vấn đề truy xuất nguồn gốc trên con tôm nói riêng và các mặt hàng thủy sản nói chung.
Cùng với các thị trường khó tính trên thế giới, các doanh nghiệp cũng định vị Trung Quốc là thị trường lớn của tôm Việt Nam. Ngày nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng do thị trường này đưa ra.
Sự đa dạng về nhu cầu, quy cách chế biến, vận chuyển thuận lợi cũng như những ưu đãi về thuế quan là động lực để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong năm 2019. Trung Quốc đứng thứ 3 về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 62,3 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. VASEP dự kiến năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 42% so với năm 2018.
Trước những diễn biến của các thị trường lớn nhất của ngành tôm xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng sẽ tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs), phấn đấu đạt kim ngạch 1 tỷ USD tại thị trường châu Âu. Còn lại các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đạt kim ngạch cộng dồn là 3 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 500 triệu USD tôm sang Hàn Quốc trong năm 2019, tăng 29,5% so với năm 2018.
Ngay từ đầu năm, sau khi đánh giá tình hình thị trường trong và ngoài nước cũng như tiềm năng lớn của ngành chưa được khai thác hết, VASEP cho rằng, cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước hiệu lực là rất lớn. Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD.
Đây được xem là mục tiêu cao và là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý thì mục tiêu này hoàn toàn không xa vời đối với ngành tôm còn nhiều tiềm năng này.
Lê Minh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- HỎI - ĐÁP THỦY SẢN THÁNG 3 (P2)
- HỎI - ĐÁP THỦY SẢN THÁNG 3 (P1)
- HỎI - ĐÁP THỦY SẢN THÁNG 3 (P3)
- EL NINO CÓ THỂ LÀM BIẾN ĐỘNG GIÁ TÔM TOÀN CẦU
- XUẤT KHẨU THỦY SẢN HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU 10 TỶ USD
- QUẢNG TRỊ HƯỚNG ĐẾN HÌNH THÀNH VÙNG SẢN XUẤT TÔM CÔNG NGHỆ CAO
- THANH HÓA: NGƯỜI DÂN ĐIÊU ĐỨNG VÌ NGAO CHẾT TRẮNG ĐỒNG
- TRÀ VINH KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN KHÔI PHỤC DIỆN TÍCH NUÔI CÁ TRA
- NGƯỜI CHĂN NUÔI BÒ THỊT LẠI GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
- DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TIẾP TỤC LÂY LAN VÀ XUẤT HIỆN THÊM Ổ DỊCH MỚI
- NĂM 2019 - PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI THEO CHUỖI LIÊN KẾT
- NUÔI GÀ Ở CHUỒNG LẠNH LÃI 2 TỶ ĐỒNG/NĂM