HỎI - ĐÁP THỦY SẢN THÁNG 3 (P3)

18/03/2019 - (Thủy sản Việt Nam)

Hỏi: Cá tra có dấu hiệu chậm lớn, gầy yếu. Cá chết mổ ra thấy gan có đốm trắng, loét ở ruột. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Đặng Văn Hiếu, Nguyễn Thiện Thuật, phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu).

Trả lời: Theo mô tả, cá có thể bị bệnh sán lá do Silurotaenia siluri gây ra. Bệnh xảy ra ở hầu hết các loài cá nước ngọt, trong đó cá da trơn có khả năng bị nhiễm cao nhất. Để điều trị bệnh, trước hết cần dùng thuốc Fugacar với liều lượng 150 mg/kg, lặp lại sau 15 ngày hoặc dùng thuốc Praziquantel với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm. Trong quá trình nuôi, áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp để đảm bảo sức khỏe cho cá. Nên sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá, không nên dùng thức ăn tươi sống, nếu dùng nên bỏ ruột cá sau đó rửa lại bằng nước muối hoặc thuốc tím trước khi cho cá ăn.

Hỏi: Thức ăn cho tôm tốt cần có những yêu cầu gì? 

(Nguyễn Thị Hải, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang)

Trả lời: Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, cần chọn thức ăn đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không chứa tạp chất, nấm mốc... Tôm ăn chậm nên đòi hỏi thức ăn phải bền trong nước. Thử độ bền bằng cách lấy khoảng 5 g thức ăn cho vào cốc thủy tinh có chứa nước trong để yên vài phút. Sau đó, cứ khoảng 15 phút dùng đũa khuấy nhẹ một vòng rồi quan sát. Nếu hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và có thể cầm nhẹ lên mà không bị vỡ nát là thức ăn chưa bị rã. Độ bền của viên thức ăn được tính bằng số giờ quan sát kể từ khi thả thức ăn vào cốc thủy tinh chứa nước cho đến khi hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Độ bền theo tiêu chuẩn quy định không nhỏ hơn 2 giờ. Tôm phát triển qua nhiều giai đoạn, cần lựa chọn thức ăn phù hợp với kích cỡ từ tôm ấu trùng (nhỏ hơn 50 µm) tới tôm bố mẹ (3,18 mm).